So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm
  • Hiện chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Cần thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng không nung

Ngày đăng : 08:27:21 04-07-2017
Ở Việt Nam, hơn 3 năm qua Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển vật liệu xây không nung nhưng thói quen sử dụng của người dân vẫn chưa thay đổi được nhiều. Do đó cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội để tạo thành một cuộc cách mạng thay đổi thói quen trong sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD).
Thói quen “ lợi ít, hại nhiều”
Không phải bây giờ chúng ta mới biết tới vật liệu xây không nung (VLXKN), mà thế hệ trước đó đã từng sử dụng để xây dựng tường rào, bếp, công trình phụ… với tên gọi gạch block hay gạch bi. Chúng được người dân sản xuất theo phương pháp thủ công với nguyên liệu chính là sỉ lò vôi, cát, đá mi, đất đồi hoặc xi măng với đá mi. Tất cả được trộn đều với nhau, đưa vào khuôn và nén bằng cách dùng lực giã hoặc ép bằng tay, sau đó đem phơi khô là dùng được. Ưu điểm của loại sản phẩm này là càng để lâu càng tốt cường độ chịu lực càng cao, thời gian thi công nhanh, nhưng kích thước chúng lại không đều nhau (do sử dụng lực tay không đều) và nặng hơn gạch nung truyền thống. Do đó, loại gạch này mới chỉ dừng lại ở những công trình nhỏ lẻ mà ít có công trình nhà ở nào sử dụng. Hoặc nếu có thì chỉ có người nghèo mới dùng nó để xây nhà vì tự mua nguyên liệu về sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, tại châu Âu và các nước phát triển ở châu Á, ngành sản xuất VLXKN đã phát triển mạnh, đến nay đã gần thay thế gạch đất sét nung. VLXKN đang chiếm thị phần ngày càng lớn do Chính phủ các quốc gia này có những chính sách hỗ trợ sớm để loại vật liệu này có thể cạnh tranh với vật liệu nung. Tại các nước phát triển, VLXKN chiếm khoảng 60% tổng VLXD, gạch đất sét nung chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. Tại Mỹ những chương trình xây dựng xanh đang có chiều hướng tăng với tốc độ đáng kể do chính sách ưu đãi và khuyến khích của chính quyền địa phương và liên bang, có tới 1/3 các công trình xây dựng thương mại mới là các công trình xanh - công trình hoàn toàn xây dựng bởi vật liệu thân thiện với môi trường như VLXKN.

Ở Việt Nam, nhu cầu về vật liệu xây rất cao do nước ta đang trong giai đoạn phát triển. Dự báo nhu cầu năm 2020 khoảng 42 tỷ viên gạch quy chuẩn, nhưng hiện tại sản xuất VLXKN chỉ chiếm khoảng 8 - 10% tổng vật liệu xây. Để đạt được số lượng gạch trên, nếu dùng đất nung thì sẽ mất rất nhiều đất canh tác, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực. Và phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn dẫn đến chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái gây ra các thảm họa của thiên tai. Nghiêm trọng hơn, khói thải của việc nung gạch còn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng. Chính những thói quen sử dụng gạch nung đã tiếp tay “giết” chết môi trường mà hậu quả thì không thể lường trước được.
Xu hướng tất yếu

Đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như ô nhiễm môi trường và an ninh lương thực mà các lò gạch đất sét nung mang lại nên cơ quan quản lý nhà nước đã có lộ trình đưa vật liệu tương ứng vào thay thế. Thế nhưng hơn 3 năm qua kể từ khi quyết định 567 của Chính phủ có hiệu lực thì việc sử dụng VLXKN tại các công trình xây dựng còn hạn chế. Việc thay đổi một thói quen tiêu dùng đã có hàng ngàn đời của người dân Việt Nam là vô cùng khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Bằng chứng là trên thị trường VLXD đã có nhiều DN mạnh dạn đầu tư dây chuyền thiết bị máy móc công nghệ để sản xuất VLXKN. Để thay đổi một thói quen thì đòi hỏi phải có những thói quen mới tương tự và gạch xi măng cốt liệu trong VLXKN là sản phẩm tương tự gạch đất sét nung. Đây có thể nói là bước đệm để tiến tới sử dụng các loại gạch khác như bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí… Và thực tế đã có nhiều công trình sử dụng gạch không nung, thay thế gạch đất sét nung như tòa nhà Keangnam Hà Nội, Landmard Tower (đường Phạm Hùng, Hà Nội), Habico Tower (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội), Khách sạn Horinson (Hà Nội), Hà Nội Hotel Plaza (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội), Sông Giá resort (Hải Phòng), Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), Làng Việt kiều châu Âu (Hà Đông, Hà Nội)...

Ông Hoàng Vĩnh Toàn (người cầm gạch) – Cục phó Cục công tác phía Nam - Bộ Xây dựng đang kiểm tra sản phẩm gạch xi măng cốt liệu tại cơ sở sản xuất gạch ở Cà Mau.

Theo thống kê, cứ mỗi năm việc sử dụng gạch đất sét nung làm mất đi một diện tích đất canh tác nông nghiệp của 1 xã. Đồng thời đe dọa trực tiếp tới an ninh lương thực quốc gia, do nước ta là nước nông nghiệp nên cần diện tích đất để sản xuất lương thực. Chính vì vậy, việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống là một xu hướng phát triển tất yếu do loại sản phẩm này có nhiều yếu tố vượt trội như: Không dùng đất sét để sản xuất mà dùng tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu (như than, củi, dầu DO)… Ông Hoàng Vĩnh Toàn - Cục phó Cục công tác phía Nam Bộ Xây dựng cho biết: “Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Năm 2020 nhu cầu vật liệu xây của cả nước khoảng 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800 - 3.000ha đất nông nghiệp. Đồng thời tiêu tốn 5,3 - 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2. Đây là một con số quá lớn, đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng và VLXD của cả nước. Ngoài ra, đất sét nên dùng vào việc sản xuất các sản phẩm trang trí cao cấp, thẩm mỹ hơn hoặc gạch đặc chủng mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành công nghiệp VLXD, đồng thời giảm được một khoảng ngoại tệ dùng cho nhập khẩu các loại sản phẩm cao cấp này…”.

Ngoài ra loại sản phẩm có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm thời gian thi công, một số loại gạch nhẹ có tỷ trọng thấp, qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng… Từ những ưu điểm đó nên VLXKN được xem như loại VLXD thân thiện với môi trường và đang được Nhà nước khuyến khích sản xuất, sử dụng để thay thế gạch đất sét nung truyền thống. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước thì vấn đề nhận thức để thay đổi thói quen sử dụng của toàn xã hội là rất cần thiết. Chính vì vậy, Cty Truyền thông VNCI, sẽ là DN đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước các cấp để phổ biến tuyên truyền và tổ chức Hội thảo chuyên đề “VLXKN, bê tông nhẹ và công nghệ sản xuất” tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước nhằm góp phần thay đổi thói quen sử dụng của người dân. Việc sản xuất và sử dụng VLXKN, xây dựng xanh, là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong xư hướng phát triển hiện đại.

 
Tags: